Friday 20 January 2017

Lời tự thú của một tù cải tạo

Lời tự thú của một tù cải tạo

Tội của tôi ở đây không phải là làm thơ ca ngợi Hồ Chủ Tịch để được thưởng vài ngày nghỉ khỏi lao động trong trại cải tạo mà là tội đã trộm tài sản của chính quyền cách mang làm của riêng mình. Tội này nếu chính quyền cách mạng bắt được thì ắt phải bị phạt giam vào chuồng sắt connex ít nhất 2 tuần lễ, nhưng cũng may là tôi đã hèn nhát không đủ tự giác để tự thú nên mọi sự đã trôi qua và mọi tội lỗi lại bị đổ lên đầu bọn nhà Hồ cáo. Giờ này nghĩ lại tôi cảm thấy mình hơi hèn nên đành phải bắt chước anh tù cải tạo Nguyễn Thiếu Nhẫn viết lên lời tự thú. Chuyện xảy ra như sau :
Trong cuộc đời tôi suốt gần 70 năm nay, tôi đã từng ăn nhiều thức ăn ngon, rẻ tiền cũng như đắt tiền, nhưng chưa lần nào tôi cảm nhận ngon miệng và hứng thú cho bằng ăn được 2 con gà kể từ ngày “giải phóng” (khiến phỏng giái) cho đến nay. Cái ngon đó do hai thứ gia vị mang lại : Gia vị thứ nhất là thưởng thức được món ăn trong tâm trạng phiêu lưu mạo hiểm mà chẳng ai có sức “tranh thủ” để hưởng, gia vị thứ hai là cảm thấy như được ơn trên ban tặng. Chuyện như thế này :
roast chicken.jpg


     “……….. Thiếu Úy Cảnh Sát Hồ-Đình-Chi là một tù cải tạo tại trại Bình-Điền, tính tình anh ta rất tiếu lâm, nói chuyện bao giờ cũng linh hoạt với câu khen đùa : “Tài thiệt!”, “Hay quá ta!” hoặc “giỏi quá ta!” khiến cho tôi nhập tâm và cho mãi đến bây giờ tôi đã vướng phải thói quen tốt này khiến vợ con tôi rất vui vẻ khi nghe tôi khen đùa như vậy. Anh Chi lại đá bóng giỏi cho nên mỗi khi có cuộc tranh giải đá bóng giữa các trại, anh được đại úy trưởng trại o bế lắm, ông này rất thích bóng đá cho nên ra lệnh bồi dưởng cho Chi, nào là thêm một phần khoai lang trong những ngày luyện tập, hoặc nửa ký đậu phụng để ăn khi thi đấu. Tính anh hay nói đùa cho nên không dò được can trường của anh ta bao nhiêu. 



     Một hôm đang lúc ngồi trò chuyện, chúng tôi thấy đàn gà của cán bộ chạy loanh quanh trong trại, tôi nói: 

     - Thèm thịt thấy mồ, thấy mấy con gà mà nhớ đến thịt gà bóp rau răm muối tiêu. 


     Chi trả lời: 
     - Thì tụi mình bắt một con làm thịt ăn. 

     - Bắt thì được, tôi nói; nhưng làm gà trong trại không phải là dễ dàng vì làm sao tránh được cặp mắt của tụi "ruồi xanh" (biệt danh để gọi tụi trại viên làm mật báo cho ban quản giáo trại, còn được gọi là antenne). 

     - Thì mình làm ban tối ! 

     - Vậy hả ? Có gan không ? Tau thì bắt gà còn cụ mi thì mổ gà nghe chưa ! 

     - Đồng ý ! 

     Tôi chuẩn bị vũ khí của tôi, đó là một cây que dài chừng hai gang có buộc một sợi dây mềm chừng nửa thước và có gắn một cục đá nhỏ bằng hột mít ở đầu dây. 

     Những hôm đó tôi bị bệnh, hai bàn tay bị trùng độc cắn sưng vù nên được khỏi đi lao đông mà ở lại trong lán. Vào buổi sáng, sau khi các trại viên đã đi ra rừng làm việc hết, trại vắng hoe thì đàn gà cứ tung tăng chạy đây đó quanh các lán. Chúng vào ngay cả trong lán vì thích ăn những con dán hoặc côn trùng ẩn núp trong các phên lá. Một con gà mái chạy lui chạy lại trước mặt tôi, tôi liền mở balô móc vũ khí ra, ngồi trên sạp tre và vung tay một cái. Thật không ngờ! Tuy trước đó vài ngày tôi đã thực tập cái vũ khí này nhưng chưa thuần thục lắm, thế mà nay nó lại trúng chóc. Cục đá đập ngay vào đầu con gà, nó lăn quay ra nhảy đành đạch, đầu nó bắt đầu phun máu. Tôi bắt đầu hoảng hốt vì thấy lông gà bay lung tung. Cũng may là nó không kêu la một tiếng nào nên không bị ai phát giác. Tôi liền túm lấy nó, nhét ngay vào thùng đạn (loại thùng sắt này chúng tôi lượm được rất nhiều ở ngoài rừng và được phép mang về đựng đồ ăn để tránh bị chuột gặm) khóa nắp lại và bỏ lên giàn, sát với cái balô như thường ngày, sau đó bò xuống đất lượm từng cọng lông gà một để phi tang. Trong chốc lát mọi sự đều trở về yên tỉnh như trước. Chỉ khác một điều là con gà đang nằm trong thùng sắt ở trên giàn balô của tôi. 

     5 giờ chiều, trại viên trở về trại, tôi kéo Chi ra và báo tin. Mới đầu hắn mừng rở, nhưng sau đó thì tỏ vẻ lo lắng hỏi tôi: 

     - Chừ phải làm răng ? 

     - Từ đây cho đến 9 giờ tối, còn đủ thì giờ để làm gà. Chờ mặt trời lặn và trong lán lên đèn thì Chi bắt đầu nấu nước sôi và làm gà. 

     - Làm ở mô chừ ? 

     - Thì làm chỗ mô không có người lui tới. Ra ngoài cầu tiêu cũng được, hay là vô hội trường vì trong đó tối và vắng hoe. 

     - Ừ được ! 

     Đúng 7 giờ tối thì mọi sinh hoạt ăn uống của trại viên đều xong, ai cũng vào trong lán đánh cờ hoặc trò chuyện, ngoài bải nấu ăn gần đó còn có vài người đang nấu nướng, lửa bập bùng. Tôi thấy Chi đang nấu nồi nước sôi. Khi hắn nấu xong thì tôi xách thùng đạn ra trao cho hắn và nói: 

     - Cụ mi đổ nước sôi vào thùng đạn, rồi mang thùng đạn vào trong hội trường, nhổ lông mổ gà trong bóng tối. Nhớ đừng tiếc chi cả: Lông lá và cái chi trong bụng cũng kéo ra hết, bỏ vào túi ny lông rồi vất qua hàng rào phi tang. Chỉ lấy thịt thôi. 

     Tôi thấy hắn tần ngần và tay run run. Tôi nói: 

     - Làm mau đi kẻo hết giờ, 8 giờ rưởi kiểng đánh là phải vào láng để làm kiểm điểm, 9 giờ là điểm danh và ngủ rồi ! 

     - Mi ơi, tau run quá, thú thiệt tau làm không được nữa rồi. Thôi vất mẹ con gà qua hàng rào đi kẻo lộ chuyện. 

     Giờ này tôi mới biết hắn chỉ mạnh miệng thôi chứ không mấy tỉnh trí để làm việc phiêu lưu. Tôi trả lời: 

     - Thôi để tau làm cho, nhưng cụ mi đứng canh ở đây xem có ai vào hội trường thì huýt gió bản nhạc "Như có Bác Hồ" nghe để tau thu dấu kịp thời. 

     Nhìn quanh không thấy ai, tôi mở hé thùng đạn để Chi đổ nước sôi vào rồi mang vào hội trường. Chung quanh tối hù, trở bàn tay cũng không thấy, tôi chui ngay xuống dưới gầm sân khấu, mở thùng đạn ra, thọc tay vào nhổ lông, sau đó dùng dao lần mò mổ bụng, và chỉ trong chốc lát là xong. Tôi cắt thịt gà ra từng miếng nhỏ bỏ vào lon guigoz (vừa đúng 1 lon) phần ruột lông còn lại nhét vào bao nylon. Tôi bước ra khỏi hội trường, đưa lon guigoz cho Chi cầm rồi tiếp tục xách thùng đạn ra giếng (giếng rất gần hàng rào) và từ đó ném bao nylong qua hàng rào để nó rơi vào trong các bụi bờ quanh đó. Tôi múc nước giếng rửa sạch thùng đạn và mang thùng đạn vào. Không ai chú ý đến việc mang thùng đạn đi đây đó trong trại vì trại viên thường dùng thùng đạn này để chứa nước dùng trong láng mỗi khi đến giờ giới nghiêm không ra được ngoài. 

     Tôi cũng cảm thấy ngạc nhiên vì mình đã làm được một việc táo bạo không ai dám làm, và khá thú vị khi cảm thấy mình làm chủ được cảm xúc của mình. 

     Ngày hôm sau, tôi vẫn còn bệnh trại, và chờ khi vắng vẻ tôi mở lon guigoz ra bỏ gia vị muối tiêu, thêm chút đường để ướp thịt. Chiều, khi đoàn lao động trở về trại và bải nấu ăn được khơi động lửa thì chúng tôi xách lon guigoz ra nấu thịt gà, không dám mở nắp ra vì sợ những cặp mắt “ruồi xanh” nhìn vào, nhưng thấy nó sôi, mở màng phun ra hai bên mép lon, vàng và thơm phức, hai đứa tôi nhìn nhau cười vui sướng, và mười lăm phút sau, tô cơm độn của chúng tôi được lùi ở phía dưới mấy cục thịt gà béo ngậy. Có một điều mà hai đứa cứ nhìn nhau cười mãi là mấy miếng thịt vẫn còn lún phún lông gà vì trong bóng tối chúng đã trốn thoát được những ngón tay vội vả nhổ quơ cào của tôi. 

     Buồn cười hơn nữa là hôm chúng tôi ăn thịt gà thì vào ban tối, mấy anh giữ gà trong trại vẫn còn “cu cu túc túc” kêu mấy con gà và chúng tôi nghe họ nói với nhau: "Mất một con rồi, từ hôm qua đến nay nó không về chuồng, chắc là bị chồn ăn rồi !" 

     Ăn gà của cán bộ là một kỳ tích mà chỉ có 3 đứa biết, ngoài hai đứa tôi ra, sau này tôi còn cho bạn Nguyễn văn Bá sống cùng lán biết nữa (Bà hiện đang ở tại đảo Alameda trong vịnh San Frrancisco). Hồ-Đình-Chi bây giờ đang ở miền cực lạc vui cười với Phật Di Lạc vì sau khi qua Mỹ trong diện HO thì anh tái phát bệnh cũ và đã qua đời ở Cali…. Mong anh còn nhớ chuyện ăn gà này để kể cho Phật Di lạc nghe để cùng cười cho thoải mái !!” 

     Mấy năm sau, tôi được thả tự do, nhưng lại phải bị quản chế thêm 3 năm. Vì không chịu được sự quản chế với nhiều cấm đoán quá khắt khe như không được mua gạo của nhà nước bán, không được phép chính thức làm việc ở các hợp tác xã vì chưa được trả quyền công dân mà phải ra công làm thế cho những người giàu có khác có ghi tên (mà không làm việc) trong HTX để được lãnh phần gạo của họ, không được chạy xe ôm vì đã bị thu bằng lái xe bởi chưa có quyền công dân, cho nên tôi đã trốn từ miền Trung vào Nam, sống lây lất, toan tính mấy lần vượt biên nhưng thất bại và ở tù, cuối cùng trắng tay nên phải kéo cả gia đình về vùng kinh tế mới ở xã Xuân Đà, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai để cạp đất mà sống, làm bạn với nương rẩy và che mưa nắng dưới mái tranh nghèo, cuộc đời trao phó lại cho Chúa quyết định vì đã hết phương xoay xở. Đói khổ đã thực sự đến với chúng tôi, có nhiều bửa chỉ được ăn ngô khoai. Vợ chồng tôi thì coi như đã liều chết rồi, nhưng thương cho đứa con của mình đã mất hết tương lai, và hiện tại của nó chỉ là một thôn nữ nghèo nàn. 

     Một hôm nọ, sau khi đọc kinh tối và lên giường sửa soạn đi ngủ thì con tôi nằm xuống và nhìn lên trần thì thoáng thấy gần mái tranh có một con vật động đậy ở cái kèo ngang, nó báo cho tôi và khi nhìn kỷ thì đó là một con gà, chẳng hiểu vì lý do gì mà nó lại ghé vào nhà tôi để trú ngụ qua đêm, lén lút không chịu khai báo hộ khẩu. Tôi nhẹ nhàng leo lên túm lấy đầu nó. Nó phản ứng rất yếu ớt, thì ra nó đang bị bệnh. Tôi quên mất mình đáng ra phải hành động như một Samaritanô là cứu chửa cho con gà này, thì ngược lại tôi đã … vui mừng cho nó vô nồi. Sáng hôm sau, cả gia đình tôi được thưởng thức món thịt gà kho mà bao năm qua chưa được nếm lại được mùi vị. Phải chăng đây là món quà như xưa kia dân Do Thái đã nhận được từ Thiên Chúa khi Ngài để cho từng đàn chim cút bay vào sa mạc và rơi giữa dân chúng để nuôi đoàn người khốn khổ đó trong cuộc hành trình tìm tự do ??? 

  JB Trường Sơn


No comments:

Post a Comment