Ông nội của tôi,
Cụ Trương-văn-Hành
Cụ Trương-văn-Hành
Ttuơng Minh Sơn tường thuật
Cụ Trương văn Hành |
Gia đình cha mẹ tôi định cư tại Huế, trong một khuôn viên rộng rãi ở vùng An-Cựu, ông bà nội tôi ở dảy nhà dưới còn gia đình cha me tôi ở nhà trên lớn và rộng. Đến mỗi buổi ăn thì chúng tôi xuống mời ông mệ tôi lên. Ông tôi quỳ trước bàn thờ Chúa đọc kinh ăn cơm và tất cả chúng tôi đều quỳ sau lưng ông để đọc theo. Ai cũng công nhận ông tôi thật là một người hiền đức. Theo mẹ tôi kể lại thì ông tôi rất công chính, trên thờ Chúa dưới yêu người. Mẹ tôi về làm dâu ông là do sự xếp đặt giữa hai ông nội ngoại của tôi. Ông nội tôi không biết rằng cha tôi đã có người yêu và nghe nói hai người đã thề non hẹn biển với nhau rồi. Cuộc hôn nhân vì thế làm cho cha tôi rất buồn, tuy nhiên vì rất kính trọng ông nội nên cha tôi bỏ tình riêng để làm đúng bổn phận của mình. Sự việc tưởng như êm đẹp vì ai cũng muốn khép mình theo khuôn khổ. Nhưng thật không may là tính tình của cha mẹ tôi không hợp nhau, thường hay đấu khẩu và gây gổ. Bà nội tôi vì thương con trai cho nên xúi cha tôi bỏ vợ. Bà thường hay công khai nói rằng : “Trai năm thê bảy thiếp....” nhưng ông nội tôi dọa "từ" cha tôi, quyết liệt cấm đoán cha tôi không được bỏ vợ vì sợ phá luật lệ của Chúa. Ông nhắc nhở cha tôi phải tôn thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu để sự hiện diện của Chúa sẽ mang lại bình an cho gia đình và cha tôi đã vâng lời làm theo, và hàng năm đến ngày kỷ niệm lễ cưới cho cha và mẹ tôi, cả gia đình đều tổ chức một buổi lễ tạ ơn Chúa gọi là "Lễ Tạ Trái Tim" để cả gia đình đều đọc kinh cầu nguyện vừa để cám ơn Chúa đã mang lại bình an cho gia đình và cũng để cầu xin Chúa an bài cho những việc trong năm tới. Cũng nhờ thế mà gia đình của cha mẹ chúng tôi vẫn bền vững không tan rả và ông nội tôi đâm ra thương hại mẹ tôi và luôn luôn dịu ngọt với mẹ tôi, nhưng không phải vì thế mà ông không biết răn dạy mẹ tôi về những sai trái của bà. Tôi còn nhớ vào khoảng năm 1950, mẹ tôi la mắng O Báu của tôi bằng ngôn ngữ thiếu đạo đức khiến ông tôi nghe được nổi giận đùng đùng, nạt mắng mẹ tôi và liệng cây mác (dao lớn dùng để vót vành nón cho mệ nội tôi) ra giữa sân gần cửa sổ mà mẹ tôi đang ngồi nhìn ra khiến bà sợ hết hồn đóng ngay cửa sổ lại.
Bà nội tôi thì tính tình nóng nảy cho nên bao phen làm vang cửa vang nhà chỉ vì ông tôi cản ngăn, phản đối hoặc trách móc bà về những chuyện không hay của bà nội. Nhưng về sau này, vì muốn yên cửa yên nhà cho nên ông tôi không cải với bà nữa, và mỗi lần thấy bà la mắng đánh đập con cháu hoặc làm điều gì quá đáng thì ông chỉ than lên "là dường nào !" để cho vơi nỗi bực mình. Thế mà bà nội tôi cũng hét vào mặt ông rằng: "Ông nói cái chi ? Có phải ông muốn nói tui hàm hồ ác độc 'là dường nào' phải không ? Nói lại đi nghe coi !" Thế là ông nội tôi im re không dám nói thêm nữa. Mà quả thật, ý của ông tôi là thế đó, muốn dùng câu 'là dường nào' để ám chỉ cái miệng hàm hồ của bà nội. Về sau này ông khôn khéo hơn, cũng dùng câu này để khen cái hay cái đẹp của những trường hợp khác hầu đánh lạc hướng bà nội.
Mừng tuổi Ông Mệ vào ngày Tết
Cháu chắt của ông mỗi năm mỗi nhiều, và cứ vào ngày Tết thì tất cả đều tập trung tại nhà cha mẹ tôi để mừng tuổi ông mệ nội tôi. Đó là một buổi lễ trang trọng. Cha tôi đại diện cho toàn thể con cháu chắt của ông bà để mừng tuổi, và tất cả chúng tôi đều quỳ rạp xuống lạy mừng tuổi hai ông bà. Chúng tôi đốt pháo vang dội, linh đình. Riêng ông nội tôi khi thấy con cháu đông đảo lúc nhúc thì luôn miệng kêu lên "Nở ra, nở ra.." Ôi thật là dễ thương và trìu mến.
Ông nội tôi cũng thích kể chuyện cho con cháu nghe, và chuyện mà ông thường hay kể một cách thích thú là 'chuyện ông Huyện to khu'. Tôi nghe nhiều lần đến nổi gần thuộc lòng. Chuyện kể rằng có ông quan huyện nọ thích hách dịch với dân và lại hay đánh đập tên lính hầu của mình cho nên tên này cay lắm, lập kế chơi ông ta. Nó kể cho ông nghe là dân chúng hiện đang chê cười ông vì ông đít teo không có dáng cao sang quí phái. Ông ta nghe vậy lấy làm lo lắng, hỏi nó làm sao cho đít to lên được thì nó bảo ông hằng ngày phải dùng roi quất vào mông cho nó sưng lên thì mới có tướng sang được. Vì quan huyện không muốn cho ai biết chuyện bí mật của mình cho nên phải nhờ tên lính hầu này ngày nào cũng vào phòng riêng của ông để ông chổng mông đít cho nó quất 10 roi đau điếng mà không dám la, sau đó lại nhờ nó xức dầu xoa bóp dùm... Đít ông có to hơn hay không thì không biết, nhưng tên lính hầu thì hả hê lắm vì đã trả thù được quan huyện.
Ông nội tôi còn biết sáng tác thơ 'con cóc' (tức không quy luật) để kể chuyện vui
cho con cháu nghe, đó là chuyện 'chàng rể có bộ râu dê' mà tôi còn nhớ được một vài câu như sau:
" Có chàng làm rể có để bộ râu
" thấy con nhà giàu mon men tìm tới......
" thấy con nhà giàu mon men tìm tới......
Nhưng cô gái thấy bộ râu ghê tởm quá bèn khuyên rằng:
" Anh về 'câu rạo' (tức cạo râu) anh đi
“ Ngày mai anh tới rồi thì em thương...
“ Ngày mai anh tới rồi thì em thương...
Thay vì nghe lời, anh này vẫn tỏ ra mặt dày
" Chàng ta mặt mủi như thường,
" Đáp rằng: Một sợi râu xâu một lát bánh
" Cả thảy có hơn năm trăm...
" Đáp rằng: Một sợi râu xâu một lát bánh
" Cả thảy có hơn năm trăm...
Anh ta giải thích cho cô gái hiểu rằng có râu nhiều rất lợi khi đi ăn giổ, có thể xâu bánh về nhà cho vợ con...
Đó là tính khôi hài rất đơn sơ mộc mạc của ông nội tôi. Ông cũng thường đặt ra những câu vè tả những chuyện thường ngày, chẳng hạn diển tả về anh Đại (T2C413) là anh họ của tôi, một thằng bé tuy lớn hơn tôi 4 tuổi nhưng xác thì còi cọt chỉ bằng tôi, rất lý sự, ăn nói khúc mắc không ai ăn hiếp nổi, trong nhà ai cũng gọi anh là 'Đại óc tiêu' (nhỏ như hạt tiêu nhưng cay cú) nên ông nội tôi mới ca rằng:
" Cái mình thì nhỏ, cái mỏ thì to
" Trong nhà đặt cho là Trương-văn-Đại.
" Cái mình thì nhỏ, cái mỏ thì to
" Trong nhà đặt cho là Trương-văn-Đại.
Vì ông tôi là trưởng lão đạo đức cho nên xóm đạo bầu ông làm 'ông trùm' (tức người đại diện cho giáo dân để lo việc kinh kệ trong nhà thờ và quan hệ với hàng giáo phẩm.) Người lớn thì ai cũng kính trọng ông cho nên ông dễ dàng làm việc với họ. Chỉ riêng tụi nhóc con chúng tôi thì khó khăn cho ông dạy bảo. Cũng vì vậy mà ông có kế hoạch rất hay: Đứa nào ngoan ngoãn trong nhà thờ thì ông phát cho một xâu chuổi hạt Mân-côi hoặc một cái quạt giấy do tay ông làm ra, nhưng chủ yếu là quạt. Phải công nhận cách này rất hữu hiệu. Mỗi buổi chiều khi chầu trong nhà thờ ra thì bọn con nít bu quanh ông kêu lên: "Ôn, ôn, con nì, con nì.." Ông bị bao vây tứ phía, tay phải nắm bó quạt thu sau lưng, tay trái thì điểm đầu tụi nhỏ để tìm ra những đứa ngoan và cho mỗi đứa một cái. Đứa mô mà ngoan lắm thì thế nào cũng đã nhận được của ông vài ba cái quạt đủ cho cha mẹ anh chị nó xài nữa ...
Ông làm quạt nhiều đến nổi lương hưu của ông dường như xài hết để mua giấy và tre để làm quạt. Về sau này ông còn dùng màu để vẻ hình lên quạt nữa. Quạt này là loại quạt lá mít cho nên hình vẽ đứng từ xa cũng thấy được, nào là hình Chúa Mẹ, rồi đến hình chim chóc hoa bướm. Cha tôi thấy ông tôi vui thú làm quạt như vậy thì dành phần mua màu (gọi là cu-lơ nước tức water colors) để tặng ông. Nhưng càng ngày thì sân nhà của ông càng thấy quạt phơi đầy dẩy. Có đôi lúc thiếu màu, ông lại tự chế biến bằng cách nghiền gạch để làm màu đỏ, lấy bông thọ để chế màu vàng, lắm lúc túng quá ông lấy kí-ninh (quinine), nhưng màu ông chế ra không "đạt tiêu chuẩn" cho nên ông réo cha tôi cung cấp cu-lơ gấp rút.
Cái thú làm quạt của ông tôi dần dần trở nên một thú đam mê. Một hôm anh rể của tôi đi săn về một con diều hâu lớn, ông tôi liền xin đôi cánh của nó để làm quạt. Ông dùng xăng ướp cho thịt xương khỏi thúi, rồi lại ướp ướp, ngâm ngâm và phơi phơi. Chẳng mấy chốc cánh chim khô lại và ông được một cặp quạt bằng cánh chim trời rất mát và nhẹ. Ông hí hững khoái chí ! Nhưng mùa đông lại đến, ông đem cặp cánh chim bằng quí hóa này gói cẩn thận vào mấy lớp giấy và cất chúng trên đỉnh kệ. Đông sang xuân đến rồi mùa hè oi bức bắt đầu đổ lửa lên xứ Huế, ông vội vàng đem cặp quạt "cưng" của mình xuống để đối địch với cơn nóng gay gắt. Ông cảm thấy gói giấy có điều bất thường, ông vội mở ra thì... ôi thôi, lông rơi lả chả mỗi cọng mỗi đường. Bọn mọt kiến trong các cuộc hành quân tìm kiếm lương thực hồi mùa đông đã khám phá một kho thịt "khô chim" ở trên đỉnh kệ và đã gặm tha đi hết, chỉ để lại những khúc xương khô và các cọng lông rổng.
Chức vụ làm ông trùm xóm đạo của ông không những là dạy dổ hướng dẫn bọn trẻ cho nên người mà còn giúp cho các giáo hữu giữ đạo đúng ý nghĩa nữa.
Trong nhà thờ, cuối buổi chầu mình thánh Chúa thì mọi người đều đọc một câu kinh để xin Chúa và Mẹ đoái thương nhậm lời cầu xin trước khi buổi lễ chấm dứt và giáo hữu ra về. Thế nhưng vì học thuộc lòng cẩu thả hay sao đó mà cả nhà thờ vang lên tiếng cầu xin là "Xin Chúa chê Chúa bỏ lời chúng con nguyện…" Ông nội tôi liền đứng ra giữa nhà thờ và yêu cầu toàn thể giáo hữu ngồi nán lại để ông nhắn nhủ, ông nói :
Như bà con đã nghe đó, ai lại cầu xin Chúa CHÊ Chúa BỎ lời chúng ta nguyện xin bao giờ ? nếu vậy thì khốn nạn cho chúng ta quá. Vậy xin bà con đọc kinh lại cho đúng là "xin Chớ chê chớ bỏ", và tiếp đó ông xướng kinh to tiếng và nhấn mạnh rõ ràng cho mọi người nghe (kinh Trông Cậy) :
Chúng con trông cậy Rất Thánh Đức Mẹ Chúa Trời, xin CHỚ CHÊ CHỚ BỎ lời chúng con nguyện trong cơn gian nan thiếu thốn. Đức Nữ Đồng Trinh hiển vinh sáng láng hằng chữa chúng con cho khỏi mọi sự dữ, Amen.
Và sau đó ông bắt cả nhà thờ đọc lại kinh đó 2 lần để sửa lại cho đúng và mọi người đều ngoan ngoãn vui vẻ đọc theo lời ông dạy. Và từ dó trong nhà thờ không còn đọc kinh sai nữa, nhất là bọn trẻ láu táu như chúng tôi.
Ai cũng khâm phục và yêu mến ông ! Nhưng tôi hồi đó (8 tuổi) thì chưa phục lắm. Vì sao ? Vì tôi hận ông đã bạt tai tôi trong nhà thờ giữa đám nhóc con đang xầm xì nói chuyện ồn ào trong buổi lễ ngày Chúa Nhật.
Chúng tôi được phát cho mỗi đứa một tập sách hát nhỏ bằng nửa cuốn vở học trò, dày khoảng vài chục trang có in những bài hát thường nhật trong nhà thờ. Hát hò chỉ là chuyện nhỏ vì chỉ nghe một vài lần là thuộc cần gì phải sách vở, vì thế sách hát chỉ là để cầm trong tay cho có vẻ trịnh trọng chút thôi. Nhưng đối với tôi thì sách đó cũng là trò chơi nữa. Cha làm lễ trên bàn thờ lắm khi chẳng chú ý mà lại mở cuốn sách ra, lật ngược mấy trang sách lại cài vào nhau giống như cái bông rất đẹp, làm hoài không chán. Và cứ thế cho đến khi Cha trên bàn thờ sắp dâng Mình Thánh Chúa thì ông nội tôi phải bước lên trấn áp bọn con nít chúng tôi lần cuối. Tụi nhóc kia vì láo liên con mắt nên liền thấy ông và im lặng quỳ gối trở lại nghiêm chỉnh, riêng tôi thì quá chăm chú đến cái bông giấy cho nên bị ông giáng cho môt bạt tại khiến tôi giật mình kinh hoảng vì quả thật tôi không hề làm ồn mà chỉ im lặng chơi với sách của Chúa ! Vừa kinh sợ vừa cảm thấy oan ức, tính anh hùng của tôi vùng dậy, tôi cầm cuốn sách xé toạc vất giữa sàn nhà và chạy bay ra khỏi nhà thờ chẳng thèm đếm xỉa đến hậu quả. Ông nội tôi đứng sửng sốt và bối rối !!
Tôi ra ngoài sân nhà thờ đứng khóc vì thấy mình bị đánh vô lý. Bổng một giọng nói êm ái nói bên tai tôi: Em vào nhà thờ lại với Chúa đi vì Cha sắp dâng mình Thánh Chúa rồi, vô theo với chị, đứng phía đằng sau cũng được. Và chị dắt tôi vào nhà thờ, đứng cạnh bên tôi và đặt bàn tay lên vai tôi. Đó là một chị nũ tu trẻ dòng Phú Xuân. Nhờ chị mà tôi khỏi mang tội bỏ lễ ngày Chúa Nhật hôm đó. Sau khi về nhà, ông nội luôn đảo mắt để tìm tôi xem phản ứng của tôi ra sao, nhưng tôi vẫn cố tránh ông vì đang "hận đời đen bạc". Nhưng con nít chúng tôi không "thù dai", chỉ một vài hôm sau thì tôi lại tiếp tục kính cẩn chào kính ông nội như thường lệ khiến ông an lòng vì xem ra ông có chút hối hận, ông tưởng trừng phạt thằng cháu để răn dạy bọn trẻ chẳng có ảnh hưởng gì lớn đến nó, không dè thằng cháu này phản ứng quá cực đoan khiến ông phải lo âu !
Thánh lễ tại Núi Đức Mẹ sau khi tượng được trùng tu |
Hai giáo xứ Sơn Quả và Thanh Tân nhìn từ Núi Mẹ
Tượng Đức Mẹ được đặt nhìn xuống làng chúng tôi, thẳng hướng ngay nhà của ông nội. Cảnh làng từ núi nhìn xuống thấy bình lặng êm đềm như bức vẻ.
Ông tôi hồi còn trẻ là một "chú nhà trường" (đi tu tiểu chủng viện) cho nên rành Kinh Thánh và thần học (hồi đó gọi là sách Đoán). Cha tôi và ông nội hay tranh luận sách đoán vang cả nhà rất vui nhộn. Cha tôi thì hay cải bướng chọc ông nội tôi tức lên. Tôi thấy sự tranh cải này toát ra một tình thương cha con đậm đà. Cha tôi thương và kính phục ông nội tôi một cách trìu mến. Sau này, khi ông tôi già yếu thì cha tôi mua chocolat cho ông dùng mỗi buổi sáng khi ngủ dậy để cho có sức. Sáng sớm tửng bưng ngủ dây, ông nhai một thỏi chocolat và uống một ly nước trà trước khi đi nhà thờ dự lễ Misa và rước lễ.
Cha tôi thấy ông nội nhai chocolat thì chọc ông nội là "phạm sự thánh" vì theo luật, muốn rước lễ thì phải giữ mình chay tịnh, không được ăn bất cứ gì từ lúc nửa đêm cho đến sáng, chỉ được phép uống đồ nước mà thôi. Cha tôi nói: "Cha nhai chocolat tức là cha ăn rồi ! Như rứa là không được." Ông nội lý luận: "Thay vì tau bỏ vô ly dùng muổng đâm cho nát hòa với nước để uống thì tau dùng răng đần cho nhuyển và uống nước trà vào thì cũng giống nhau." Cha tôi cuời và nói: "Cha tào lao, có tội rõ ràng mà còn nói quanh." Lương tâm của ông nội thật ngay thẳng, ông biết không có tội là ông làm chứ không bị ràng buộc bởi nguyên tắc.
Thấy ông hiền nên con cháu thường hay chọc phá. Người hay phá ông nội tôi hơn hết là anh Tâm của tôi. Bởi bản chất thích máy móc cho nên anh Tâm tôi cũng chọc phá ông nội tôi theo kiểu máy móc. Khuôn viên nhà chúng tôi có hai chiếc cầu tiêu được xây cất cạnh nhà lớn của cha mẹ tôi. Một chiếc thì làm bằng sành men trắng dành cho "cao cấp" và một chiếc làm bằng xi măng dành cho "dân" (tức con cháu trong nhà). Cả hai đều là kiểu ngồi xổm, có máy xả nước từ cao đổ xuống rất mạnh. Anh Tâm của tôi thường hay chờ cho ông tôi vào cầu, và đúng lúc ông đang "làm phận sự" thì anh ta đứng sau bức tường phía hậu của nhà cầu, dùng đòn bẩy kéo máy xả nước phun tung tóe vào ông. Thật tội nghiệp cho ông vì ông cứ tưởng đó là do trục trặc máy xả nước thôi. Khi ông ra khỏi cầu thì quần ướt sủng. Anh Tâm tôi cứ theo đà đó chơi lại nhiều lần, nhưng những lần sau thì không thành công nữa vì ông nội tôi đã có kinh nghiệm: Khi đi cầu thì ông cởi hết quần ra treo ở tường, và khi vừa nghe tiếng nước bắt đầu thoát xuống thì ông vội vàng đứng nhỏm dậy và lẩm bẩm "lại cứ hư mãi" cho nên không còn bị ướt quần ướt đít nữa. Vì thấy chọc phá không còn hiệu nghiệm nữa cho nên từ đó nhà cầu không còn trục trặc với ông nội tôi nữa.
Nghĩ lại tôi thấy thương ông quá, nhưng hồi đó vì còn là thiếu niên cho nên chúng tôi thấy vui lắm. Tuy vậy Anh Tâm tôi cũng có một lần phải hối hận vì cái tính chọc phá nhanh nhẩu của mình. Hôm đó trong nhà thờ, đang ngồi ở ngoài mút dảy ghế dọc lối đi, anh thấy ông nội đang đi vào nhà thờ, khi ông đi ngang qua chỗ của anh, bất chợt anh thò chân ra khèo để chọc ông, không ngờ ông vấp thiệt và chập choạng gần té, ông gượng đứng vững lại được và nhìn lui ngạc nhiên không biết đã vấp phải cái gì. Khi anh Tâm kể lại cho tôi nghe chuyện này thì anh rất hối hận vì lở như ông mà té thật thì đó là một cái tội đại nghịch.
Riêng tôi vì còn quá nhỏ cho nên không có nghịch ngợm như anh Tâm mà chỉ đàn đúm với các đứa nhỏ cùng lứa tuổi như Khuê, Đàng, Đại, Trị ... rình xem ông nội tắm để xem cái “củ khoai từ” của ông ra sao và chúng tôi lấy làm khoái chí đã thấy được cái "củ" của người lớn có râu ria rất khác "trái ớt" nhỏ xíu của tụi tôi.
Ông tôi rất chú ý răn dạy cháu chắt. Bọn nhóc chúng tôi, mỗi lần chơi đùa nghịch ngợm với nhau, thường hay bắt chước lủ con nít hàng xóm mắng chưởi nhau bằng cách chúm năm ngón tay lại xỉa vào mặt nhau mà nói "cổ vịt nè" hoặc xếp cùi chỏ lại vổ cái bép và nói "ổ mì nè" mà chẳng hay biết ý nghĩa gì. Ông tôi sau nhiều lần quan sát liền gọi chúng tôi lại bảo rằng : "Tụi con không được mắng nhau và tẻ cho nhau 'cổ vịt' và 'ổ mì' nữa nghe chưa, xấu lắm đó." Thế là tụi tui vâng lời, chỉ nghĩ rằng mắng chưởi nhau là có tội cho nên ông cấm thôi. Mãi sau này khi trưởng thành, mỗi lần mua mì ổ và đích thân chọn để tìm ổ ngon và dòn, kiếm ổ nào mà đường xẻ giữa nở phồng ra thành hai má no tròn thì mới đúng tiêu chuẩn... và bổng đầu óc tôi lóe sáng thông minh hiểu ra được ý nghĩa câu chưởi 'ổ mì' nó tượng hình như thế nào, hèn gì cả nó lẩn 'cổ vịt' đều bị xếp vào 'tự điển cấm kỵ!'
Đối với những đứa bé nhỏ hơn nữa thì ông tôi phải uốn nắn từng câu nói, chẳng hạn cô 'chắt' gái đầu tiên của ông tên Trang (T2C45111) chạy lúc thúc ngoài sân miệng ca đi ca lại câu không biết ai đã dạy cho nó là 'mạ thương con - con thương mạ, mạ ghét con – con ghét mạ' thì ông dụ lại cho kẹo để ngồi với ông rồi ông bảo: "Con đọc câu đó trật rồi, để Cố sửa lại cho" và ông bắt nó lập đi lập lại cho đến khi thuộc câu mới là:
"Mạ thương con, con thương mạ,
Mạ ghét con, con vẫn thương mạ."
"Mạ thương con, con thương mạ,
Mạ ghét con, con vẫn thương mạ."
Sau đó, con nhỏ quên mất câu cũ và đi đâu cũng ca câu mới do ông cố dạy
Ông nội tôi rất thương người. Khi còn trẻ, đang làm nhân viên đánh điện tín của Sở Dây thép (Bưu Điện), ông thường đi công cán đây đó. Một hôm khi đang công tác tại một nhà ga ở Quảng-Nam, ông thấy một bà già mù rách rưới đang mò mẩm bán đậu phụng rang ở sân ga, Ông chạnh lòng hỏi con cái bà đâu mà để bà đi bán như vậy thì bà trả 1ời không có con cái. Ông lại hỏi bà có muốn ông giúp đỡ nuôi nấng không thì bà ta bằng lòng ngay. Thế là ông nội tôi mua vé xe lữa cho bà ra Huế, đánh điện tín cho cha tôi đi rước bà và sau đó đem bà lên làng Sơn-Quả sống với bà nội cùng các O Chú của tôi. Bà đã sống tại đó cho đến mãn đời và được chôn cất tại làng Sơn Quả. Ngoài bà này ra ông tôi còn nuôi thêm 3 người nữa, trong đó có hai người được mang họ Trương là O Thảo và chị Lài. Nhưng cũng vì tính thương người này mà một hôm ông gặp nạn: Một bà ăn mày ghé nhà ăn xin. Ông thấy chân bà này bị ghẻ 1ở loét cho nên mới bảo bà ta đưa chân cho ông xức thuốc ghẻ do ông tự bào chế, đó là một loại nước cốt đen sì làm bằng tàn thuốc lá ngâm trong rượu. Ông múc thau nước bảo bà rửa chân, sau đó đến lúc lương y ra tay chửa trị thì ông vén ống quần bà lên, dùng bông gòn thấm nước đen đó phết vào mụt ghẻ hờm của bà. Chữa cho con bệnh xong, ông cho bà về kèrn thêm tiền bố thí nữa. Chuyện gì sau đó xảy ra? Ông bị bà nội ghen um sùm và bị đấm vào lưng thùm thụp vì đã dám ngang nhiên vén ống quần của một người đàn bà khác ngoài bà! Nhưng dù sao thì vị lương y này cũng hân hoan vì chỉ hai tuần sau bà ăn mày đó trở lại cám ơn vì ghẻ đã gần lành hết, chắc có ý mong được chăm sóc tiếp cho lành hẳn, nhưng lần này thì ông lấy lọ thuốc cốt tặng luôn cho bà để bà tự chăm sóc lấy. Ông lại phải mất thời gian gom tàn thuốc để pha chế lọ 'linh dược' khác. Phải chi ông mà biết hút thuốc lào thì chắc ông đỡ mất công pha chế.
Khi ông tôi về già thì ông mang bệnh phong ghẻ ngứa ở hai chân, càng gải thì càng ngứa và chảy nước vàng, gải đến rách thịt chảy máu mà vẫn cứ ngứa, và từ đó da thịt không lành lại được và vết thương càng ngày càng lan rộng ra. Ông đã cố gắng tự chữa bằng 'linh dược' của mình nhưng không khỏi. Cha tôi cho xây một vũng tắrn tại khe nước nóng của làng Thanh-Tân có hai vòi nước nóng lạnh hòa lại để vừa đủ nóng cho ông tới tắrn hằng ngày vì nước nóng này có chất lưu huỳnh có thể chửa được bệnh ghẻ. Nhưng khốn nổi bệnh của ông tôi là phong ngứa eczema không thể chửa lành được, và cuối cùng ông tôi kiệt sức.
Khi ông hấp hối thì tôi đang học nội trú tại trường Bình-Linh Huế (Pellerin). Khoảng 11 giờ đêm, anh Tâm tôi lái xe lên trường xin phép cho tôi về. Vừa về thấu nhà thì cha tôi kéo tôi vào bên cạnh giường ông nội đang nằm và nói bên tai ông: "Đây là thằng Sơn, thằng Út của con, xin cha chúc lành cho nó" rồi cha tôi bảo tôi lên nằm sát bên ông nội. Ông đặt tay lên tôi và nói: "Ôn chúc cho con được sống hiền lành đạo đức, và nếu được đi tu làm linh mục thì tốt lắm." Tôi lên nhà ngủ tiếp, và khoảng 3 giờ sáng thì được thức dậy vì ông tôi đang lâm chung. Tôi xuống đứng bên cạnh thì thấy bà nội tôi đang ngồi sát ông và kêu Chúa (tức kêu tên Chúa lớn tiếng để cho người đang hấp hối nghe mà nhớ đến Chúa hầu không bị ma quỷ khuấy phá). Ông tôi nghe và chớp mắt để tỏ dấu là còn tỉnh táo, nhưng chỉ vài phút sau thì ông không còn chớp mắt nữa mà ra đi bình an. Một cái chết nhẹ nhàng thánh thiện.
Lễ an táng cho ông nội tôi tại nhà thờ dòng Chúa Cứu Thế Huế năm 1957
Khi ông tôi mất thì tôi 15 tuổi.
Ông nội tôi được chôn cất tại nghĩa trang gia đình tại vùng 'cồn mồ' Phủ-Cam. Nghĩa trang này cha tôi mới mua và ông tôi là người đầu tiên được chôn tại đây. Cha tôi trao cho chú Triều tôi chăm sóc sắp xếp và chú đã biến nơi đây thành một chốn yên tỉnh sạch sẽ khang trang, chung quanh có hàng dương liểu reo, có cây gai và xương rồng bao bọc để trâu bò khỏi xâm nhập phá phách, có cổng kẻm gai đóng kín. Con cháu thường đến đây, trước để thăm viếng mồ, sau là để ngồi trầm tư với thiên nhiên hoặc chỉ để hưởng cái mát mẻ và thanh vắng của chốn này. Sau nam 1975, nghĩa trang này đã có đông con cháu đến an nghỉ quây quần chung quanh ông mệ tôi, và vì hoàn cảnh không còn cho phép (nhà nước CS chiếm đất để mở đường) cho nên chú tôi đã cải táng tập thể về làng Sơn-Quả ở trong một khuôn viên chung với tổ tiên của giòng họ.
Lễ cải táng ông nội của tôi, người đọc văn tế là cháu đích tôn Trương văn Ngọc
Đến năm 1989, với sự đóng góp tiền của bà con, chú tôi đã xây khuôn viên này thành một nghĩa trang gia tộc mới, rất đẹp và có đầy đủ ý nghĩa của đoàn tụ.
Út Sơn (T2C4517)